Pages

Thứ Tư, 13 tháng 5, 2015

Học đàn piano - Sự phát triển tư duy và nghệ thuật cảm thụ âm nhạc

Học đàn piano - Sự phát triển tư duy và nghệ thuật cảm thụ âm nhạc

Sự phát triển tư duy và nghệ thuật cảm thụ âm nhạc với cây đàn piano

Từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX, văn hóa nghệ thuật và âm nhạc phương Tây tràn vào Việt Nam đã có tác động không nhỏ đến nền âm nhạc nước nhà. Sự du nhập của cây đàn Piano - một trong những nhạc cụ phương Tây đến sớm nhất đã góp phần tạo ra một trào lưu âm nhạc mới.Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, đàn Piano xuất hiện lần đầu ở Hà Nội vào năm 1912 nhưng phải tới những thập niên 20, 30 đàn Piano mới được biết đến nhiều hơn cùng với các nhạc cụ phương Tây khác như Violon, Violoncello, Guitare, Accordeon và các loại Kèn hơi.

Sự nghiệp đào tạo chuyên nghiệp đàn Piano ở Việt Nam được hình thành cùng với sự ra đời của các Trung tâm đào tạo âm nhạc lớn trên cả nước: Trường âm nhạc Việt Nam - năm 1956 (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Sài Gòn - năm 1956 (nay là Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh), Trường Quốc gia âm nhạc và kịch nghệ Huế - năm 1962 (nay là Học viện Âm nhạc Huế).

Cây đàn Piano là một nhạc cụ có khả năng diễn tả rất phong phú: Sự chuẩn xác về cao độ, vẻ đẹp của âm thanh biểu hiện được nhiều loại sắc thái, sự tinh tế của phím đàn, sự thuận lợi trong việc kết hợp các chồng âm cùng lúc tạo nên màu sắc hòa âm có thể thay thế dàn nhạc đã tạo nên hiệu quả nghệ thuật rất lớn của cây đàn Piano khi sử dụng. Chính vì vậy đàn Piano là một nhạc cụ phổ thông rất cần thiết cho những người hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp.

Tại các trường âm nhạc, Piano là môn học bổ trợ rất cần thiết đối với mọi chuyên ngành (Sáng tác, Lý luận, Chỉ huy, Thanh nhạc, nhóm các nhạc cụ Giao hưởng, nhạc cụ Dân tộc...). Việc nắm vững kỹ thuật đàn Piano sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho người học được tiếp cận với các tác phẩm âm nhạc kinh điển, hiểu được đặc điểm âm nhạc của từng giai đoạn, phong cách sáng tác và ngôn ngữ  âm nhạc  của các nhạc sĩ...để có thể nghiên cứu chuyên sâu vào ngành học của mình. Ví như, với ngành Sáng tác, Piano giúp cho người viết cảm nhận được hiệu quả tác phẩm.

Thực tế đã chứng minh rằng người học ngành Lý luận không thể nghiên cứu lý thuyết suông mà phải có sự cảm nhận âm nhạc thông qua đàn Piano, vì vậy không phải ngẫu nhiên mà chuyên gia nước ngoài khi tuyển chọn học sinh Lý luận thường yêu cầu được nghe đàn Piano để có sự đánh giá đúng năng lực và nhạc cảm của mỗi học sinh. Đối với ngành Chỉ huy, có trình độ tay đàn Piano là điều kiện tiên quyết để được tuyển chọn. Bởi vì đàn Piano chính là dàn nhạc thu nhỏ, thông qua Piano người chỉ huy có thể dễ dàng nghiên cứu tổng phổ, nắm vững các bè để làm việc với dàn nhạc đạt hiệu quả.


Học đàn piano - Giúp phát triển tư duy và cảm thụ âm nhạc

Ngoài ra, đối với các chuyên ngành khác việc biết đàn Piano sẽ giúp người học phát triển tư duy đa âm thanh, làm quen với những màu sắc hòa âm khác nhau, có khái niệm rõ ràng về hòa âm, phức điệu, phần bè đệm..., vì đặc trưng của những nhạc cụ phương Tây và Dân tộc là chỉ đảm nhiệm phần giai điệu, hạn chế về các bè...Đàn Piano tạo điều kiện mở rộng tai nghe một cách phong phú hơn, phát triển khả năng hoạt động nhanh nhẹn, linh hoạt của ngón tay, cổ tay.

Đối với chuyên ngành Kèn gỗ Giao hưởng, việc chơi đàn Piano sẽ tạo được sự cân bằng lực cho cho các ngón tay. Với chuyên ngành Gõ, Piano sẽ giúp người học bổ sung phần định âm ...Không chỉ đóng vai trò quan trọng đối với các chuyên ngành, đàn Piano còn là phương tiện hỗ trợ vô cùng cần thiết trong giảng dạy âm nhạc. Tại Nhạc viện các nước, bất cứ một giờ học các môn kiến thức âm nhạc nào (Hòa thanh, Hợp xướng, Ký xướng âm, Lịch sử âm  nhạc, Phức điệu, Phân tích tác phẩm, Đọc tổng phổ...) cũng cần có sự trợ giúp của cây đàn Piano.

Nói như vậy để thấy rằng việc nắm vững kỹ thuật đàn Piano là vô cùng cần thiết đối với bất cứ ai nghiên cứu âm nhạc ở môi trường chuyên nghiệp. Chính vì ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển tư duy âm nhạc, nâng cao trình độ cảm thụ nghệ thuật mà môn Piano được thiết kế trong chương trình đào tạo của một số chuyên ngành tại các trường âm nhạc.

Tuy nhiên vấn đề giảng dạy môn Piano phổ thông vẫn còn nhiều điều đáng quan tâm. Học sinh ở các trường âm nhạc được học đàn Piano trong một khoảng thời gian khá dài (6-7 năm) từ Trung học lên Đại học nhưng nhìn chung kết quả thu được chưa thật sự khả quan. Người học phần lớn chưa ứng dụng trình độ tay đàn Piano của mình vào công việc thực tế.

Đơn cử như đối với chuyên ngành Sáng tác (một ngành học đòi hỏi phải có kỹ thuật đàn Piano khá vững vàng): Tại các Nhạc viện hàng năm có không ít tác phẩm viết cho Piano nhưng thật sự có bao nhiêu tác phẩm có chất lượng được sử dụng? Rất ít tác phẩm viết cho đàn Piano được thẩm định về giá trị nghệ thuật (trong số 25 tác phẩm ở lĩnh vực khí nhạc đoạt giải của Hội Nhạc sĩ Việt Nam – năm 2010, cũng chỉ có duy nhất một tác phẩm viết cho đàn Piano – Chùm hoa Việt Nam của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc).

Tác phẩm viết cho đàn Piano nhưng không dựa trên sự nắm vững về kỹ thuật và khả năng diễn tấu của cây đàn mà chỉ dựa vào sự tưởng tượng của người viết thì chắc chắn tác phẩm đó không thể có giá trị nghệ thuật cao. Trên thế giới các nhạc sĩ tên tuổi đều là những nghệ sĩ Piano kiệt xuất trước khi trở thành những nhạc sĩ sáng tác thiên tài

(W.A.Mozart, L.V Beethoven, R.Schumann, F. Chopin, P. Tchaikovsky, A.Rubinstein...).

*** Bài viết liên quan:

- Lớp học đàn piano cho trẻ em tại Hà Nội

- Những lý do để bạn quyết định học chơi đàn piano

- Học đàn piano tại trung tâm Magic Music

Tags: học piano, hoc dan piano

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét